Tin tức

Các bước sơ cứu khi bị bỏng
Các bước sơ cứu khi bị bỏng 12/07/2022
Bỏng là một loại tai nạn mà nhiều người thường gặp. Để biết các bước sơ cứu khi bị bỏng thì hãy cùng Mola tìm hiểu nhé!

1. Nguyên nhân gây bỏng


Có 4 loại bỏng mà các bạn thường gặp, gồm: Bỏng do nhiệt độ, bỏng điện, bỏng do hóa chất và bỏng do các tia vật lý. Trong đó:

  • Bỏng do nhiệt độ thường là bỏng khô (bỏng vì lửa, bô xe máy, tia lửa điện,...) và bỏng ướt (bỏng vì dầu mỡ nóng, nước sôi, hơi nước,...).

  • Bỏng điện là do bị điện giật, sét đánh.

  • Bỏng do hóa chất như axit (HNO3, H2SO4, HCl,...) và bazơ (KOH, NaOH, Ca(OH)2,..).

  • Bỏng do các tia vật lý như tia tử ngoại, tia hồng ngoại, tia X,... rất hiếm gặp trong đời sống hàng ngày.

Mola; tin tức; mẹo vặt; kiến thức y khoa; cách sơ cứu khi bị bỏng; chăm sóc vết thương khi bị bỏng; nhận biết tình trạng bỏng; những điều không nên làm khi bị bỏng

2. Nhận biết tình trạng bỏng

Tình trạng bỏng được chia thành 3 mức độ: bỏng bề mặt, bỏng một phần da và bỏng toàn bộ các lớp da.

Mức độ 1: Bỏng bề mặt


Bỏng bề mặt tức là bị bỏng ở phần lớp da ngoài cùng. Lúc này, phần da đó sẽ bị ửng đỏ và khá đau rát nhưng không quá nghiêm trọng. Vết bỏng này có thể lành chỉ sau 3 ngày.

Mức độ 2: Bỏng một phần da


Khi bị bỏng một phần da, lúc này lớp biểu bị cùng với một phần lớp chân bì sẽ bị tổn thương và tạo nên các túi phỏng nước. Nếu các túi này bị vỡ thì sẽ làm lộ ra lớp da màu hồng và gây đau đớn. Vết bỏng sẽ tự lành sau khoảng 1-4 tuần trong trường hợp được giữ sạch, không bị nhiễm trùng.


Mức độ 3:
Bỏng toàn bộ các lớp da

Đây là vết bỏng có mức độ nghiêm trọng nhất khi toàn bộ các lớp da đều bị tổn thương. Khi bị bỏng ở mức độ này, vết bỏng sẽ có màu trắng lợt hoặc xám lại, khô cứng nhưng sẽ không có cảm giác đau, thường rất dễ bị nhiễm trùng và tốn rất lâu để bình phục, thậm chí là để lại sẹo.


3. Các vị trí dễ xảy ra bỏng trên cơ thể


Mắt, bàn tay, lưng,... hay thậm chí là đường hô hấp là những vị trí dễ xảy ra bỏng trên cơ thể. Mỗi một vị trí như vậy đều đảm nhiệm những chức năng cũng như có ý nghĩa quan trọng. Nếu bị tổn thương có thể dẫn đến những di chứng không mong muốn và lâu dài. Cụ thể như sau: Bỏng ở mắt có thể dẫn đến mù lòa; bỏng ở vùng mặt có thể làm biến dạng mặt, để lại sẹo và thậm chí gây ra phù nề làm chèn ép đường thở; vùng lưng, vùng gần hoặc tại hậu môn sinh dục nếu bị bỏng có thể bị nhiễm khuẩn và thời gian phục hồi rất lâu; nếu đường hô hấp bị tổn thương do hơi nóng hoặc khói có thể dẫn đến phù nề đường hô hấp, làm tắc nghẽn, dễ gây suy hô hấp và viêm phổi cho nạn nhân.


4. Cách sơ cứu khi bị bỏng


A. Bỏng do nhiệt độ

Bước 1: Loại trừ khả năng tiếp xúc giữa tác nhân gây bỏng với vị trí tiếp xúc như đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, dập lửa trên cơ thể,... và tiến hành cấp cứu toàn thân khi nạn nhân bị suy hô hấp do bỏng đường hô hấp, đa chấn thương,...


Bước 2:
Ngâm rửa vết bỏng vào nước sạch càng sớm càng tốt, nên ngâm trước 30 phút kể từ khi bị bỏng thì việc ngâm rửa mới có tác dụng.


Bước 3:
Che phủ tạm thời vết bỏng bằng gạc y tế, khăn mặt, khăn tay,... sạch và tránh quấn quá chặt.


Bước 4:
Bù nước, điện giải sau bỏng bằng cách uống nước Oresol trong trường hợp nạn nhân vẫn tỉnh táo, không buồn nôn hay chướng bụng. Ngoài ra, có thể cho uống trà đường ấm, nước cháo loãng, nước ép trái cây,...


Bước 5:
Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, với trường hợp bỏng nặng thì cần phải đưa đi bằng cáng hoặc ô tô. Nếu có chấn thương, gãy xương thì cần phải cố định tạm thời trước khi vận chuyển.


Lưu ý

- Nên ngâm trong nước sạch có nhiệt độ từ 16-20 độ C. Có thể tận dụng nguồn nước sạch tại nơi bị nạn, có thể dùng các loại nước như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng khoan,...

- Tuyệt đối không dùng nước đá hay nước ấm có nhiệt độ cao hơn thân nhiệt của nạn nhân vì nước đá có thể làm nạn nhân nhiễm lạnh, còn nước ấm ít có tác dụng hạ nhiệt cũng như giảm đau.

- Phần bị bỏng có thể được ngâm rửa dưới vòi nước hay chậu nước, cũng có thể dùng khăn ướt đắp lên vùng bị bỏng và thay khăn liên tục để làm dịu vùng bị bỏng.

- Ngâm trong vòng 15 - 30 - 45 phút cho đến khi hết cảm giác đau rát. Khi ngâm rửa không được làm vỡ các nốt phỏng để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.

B.Bỏng điện

Nhanh chóng cắt nguồn điện hoặc đẩy nạn nhân ra khỏi nơi tiếp xúc nguồn điện nhưng chú ý không dùng tay không. Khi nạn nhân ngừng thở và tim ngừng đập cần cấp cứu ngay tại chỗ bằng cách ép tim ngoài lồng ngực cùng với hô hấp nhân tạo. Sơ cứu khi nạn nhân có hô hấp và tim đập trở lại. Sau đó, che phủ tạm thời vết bỏng và đem nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Mola; tin tức; mẹo vặt; kiến thức y khoa; cách sơ cứu khi bị bỏng; chăm sóc vết thương khi bị bỏng; nhận biết tình trạng bỏng; những điều không nên làm khi bị bỏng


C. Bỏng do hóa chất

Các bước sơ cứu giống như sơ cứu bỏng vì nhiệt độ. Ngoài ra cần phải trung hòa tác nhân gây bỏng (bỏng kiềm thì dùng axit nhẹ như dung dịch đường, nước cốt chanh, giấm ăn,…; bỏng axit thì dùng kiềm nhẹ như xà phòng, Natri Bicarbonate 2-3%, nước vôi trong,...) sau khi đã ngâm rửa vết bỏng bằng nước sạch.

5. Những điều không nên làm khi sơ cứu bỏng

Khi sơ cứu vết bỏng, chúng ta không nên sử dụng nước đá lạnh, không bôi các loại phương pháp dân gian như nước mắm, củ chuối,...Ngoài ra, không nên bôi kem đánh răng vì có chứa base khiến nạn nhân đau hơn. Đặc biệt là không nên làm vỡ các nốt phỏng vì có thể làm vết bỏng bị nhiễm trùng.


Trên đây là các bước sơ cứu khi bị bỏng kèm với những điều cần lưu ý mà Mola muốn chia sẻ với các bạn! Hãy luôn cẩn thận trong mọi việc để tránh bị bỏng nhé!